Lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa

TẤM LÒNG MẸ

Ds 6,22-27; Gl 4,4-7; Lc 2,16-21

ĐTGM Ngô Quang Kiệt

 

Chiêm ngắm Chúa Giêsu trong hang đá Bêlem ta không khỏi ngậm ngùi xót xa. Một con người sinh ra trong điều kiện thiếu thốn đã là đau đớn. Thế mà Con Thiên Chúa lại phải sinh ra trong chuồng bò lừa. Đó là điều không thể tưởng tượng nổi. Tại sao Con Thiên Chúa sinh ra trong một điều kiện tồi tệ như thế? Thưa vì các nhà trọ đã từ chối đón tiếp Người. Như Tin mừng Gioan nói: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” (Ga 1,11) Thật đau khổ. Chúa Giêsu sinh xuống làm con loài người. Để ở với con người. Nhưng con người lại chối từ Chúa. Xua đuổi Chúa.    

Chỉ có Đức Mẹ đón tiếp Người. Cuộc đón tiếp xứng đáng với tình yêu Thiên Chúa. Một tình yêu thâm sâu. Nếu Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi nhập thể trong thân xác loài người, thì Đức Mẹ đáp lại bằng một tình yêu thương đón tiếp Người trong thân xác mình. Một kết hợp trọn vẹn. Thiên Chúa yêu thương đến hoà nhập vào máu thịt con người. Đức Mẹ hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa bằng dâng hiến máu thịt để tạo nên thân xác cho Thiên Chúa. Để Thiên Chúa là Emmanuel: Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. 

Và với tình mẫu tử bao la, Đức Mẹ đã biến máng cỏ thành chiếc nôi êm ái cho trẻ thơ Giêsu an giấc. Biến chuồng bò thành ngôi nhà ấm áp cho Con Thiên Chúa tạm nghỉ. Tình mẫu tử thật tuyệt vời. Có mẹ, con có thể đi bất cứ nơi đâu. Vì lòng mẹ là giường êm nệm ấm. Vòng tay mẹ là thành luỹ chở che. Bất chấp thế giới có ra sao, con bình an trong vòng tay của mẹ. 

Khi đón tiếp Chúa Giêsu như thế, Đức Mẹ làm cho Thiên Chúa có khuôn mặt nhân loại. Làm cho dung nhan Thiên Chúa rạng ngời nơi nhân loại như lời Thánh vịnh đáp ca. Làm cho Thiên Chúa đưa mắt nhìn nhân loại bằng ánh mắt cụ thể tràn đầy tình thương. Đó chính là nguồn ơn phúc lành. Như sách Dân số diễn tả: “Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em. Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em”. Đọc lời này tôi mường tượng mỗi khi Đức Mẹ bồng bế Chúa Hài Nhi, chắc chắn Chúa nhìn Mẹ với ánh mắt tươi vui và trìu mến. 

Khi đón tiếp Chúa Giêsu như thế, Đức Mẹ làm cho chúng ta trở nên con Thiên Chúa. Như lời thư Galat: “Thiên Chúa sai Con mình tới, sinh làm con một người phụ nữ…hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử.” Trở thành con, chúng ta được thừa hưởng tất cả gia nghiệp của Thiên Chúa. Được hưởng tất cả phúc lành của Thiên Chúa. Là mối phúc vượt trên mọi mối phúc. 

Nhìn lại thế giới một năm qua ta thấy thảm cảnh Bêlem vẫn còn đang tiếp diễn. Trên thế giới những đoàn người tị nạn vô cùng đông đảo đang bị đuổi ra khỏi chính quê hương mình. Những người mất quê hương như người Kurd, người Uigur, người Rohingya, người công giáo ở Irak và Lyban, ở Rwanda và Congo. Bị xua đuổi nhưng họ không biết đi về đâu. Vì các nước chung quanh đóng cửa biên giới. Thậm chí còn xây tường ngăn chặn. Tại Việt nam tôi vẫn còn nhớ như in dòng người xô bồ hỗn loạn khi Saigon vỡ trận. Đi xe máy hàng ngàn cây số. Nằm ngủ màn trời chiếu đất. Dãi nắng dầm sương. Trẻ con ngất xỉu vì khát sữa. Nghe Quốc Vũ hát thơ của Nguyễn khắc An mà đau xé lòng:

 

Cố lên con sắp đến quê rồi

Chỉ hơn ngàn cây số nữa thôi

Con khát sữa, lòng Bố thắt đau

Ngủ đi con bố ngàn lần xin lỗi

Đường xa quá bố cạn sức con ơi 

Nhưng đêm nay, trở gió giao mùa

Ta nằm lại màn trời chiếu đất

Rồi cơn mưa ập đến bất ngờ.

Xin lỗi con bố ngàn lần xin lỗi

Ta chỉ còn một nơi để về thôi

Mạnh mẽ lên con, bởi sau cánh cửa

Khép mở tùy tâm trắc ẩn lòng người!  

Tác giả đã diễn tả đúng tình cảnh của Chúa Giêsu. Trời đất rộng bao la nhưng con người vẫn không nơi nương tựa. Nhà rộng thênh thang nhưng cửa đóng im ỉm. Chỉ có một nơi có thể đi về đó là tấm lòng mở rộng. 

Chỉ có tấm lòng mẹ như Mẹ Maria ta mới có thể biết đón tiếp các Chúa Giêsu đang bị xua đuổi lang thang đầu đường xó chợ. Chỉ có tấm lòng mẹ như Mẹ Maria ta mới có thể biến những chuồng bò hôi hám tồi tàn thành những gia đình ấm cúng tình người. Chỉ có tấm lòng mẹ như Mẹ Maria ta mới có thể biến rơm cỏ và máng uống nước thành chiếc nôi êm ấm cho những đứa trẻ đang bị bỏ rơi, vất bỏ khắp nơi. 

Ngày đầu năm mới Giáo hội vừa tôn kính Đức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa vừa cầu xin Chúa ban hoà bình cho thế giới. Giáo hội muốn đặt thế giới vào bàn tay từ mẫu của Mẹ Maria. Chỉ có Mẹ mới có bàn tay dịu dàng có thể xoa dịu những vết thương hằn sâu trên con người. Chỉ có Mẹ mới có tấm lòng từ mẫu có thể đón nhận tất cả mọi người con đang lang thang bơ vơ không nơi nương tựa. Chỉ có Mẹ mới có trái tim tràn đầy yêu thương có thể chia sẻ cho mọi người cả máu thịt của mình. 

Ngày đầu năm mới Giáo hội cầu nguyện cho hoà bình. Cũng là mời gọi mọi người hãy có tấm lòng của người Mẹ. Đó là điều còn thiếu trong thế giới đầy cạnh tranh, khô khan thiếu thốn tình người. Nếu mỗi người đều có tấm lòng người mẹ chắc chắn mọi người có thể đón nhận lẫn nhau. Nếu mỗi người đều có tấm lòng người mẹ chắc chắn có thể giải quyết các vấn đề xung đột. Nếu mỗi người đều có tấm lòng người mẹ chắc chắn thế giới sẽ sống trong hoà bình. 

Phần chúng ta hãy vui mừng tin tưởng. Chúng ta không mồ côi. Vì Mẹ Maria là mẹ chúng ta. Chúng ta không phải là lũ trẻ bơ vơ đầu đường xó chợ. Vì tấm lòng Mẹ Maria là ngôi nhà cho chúng ta nương náu. Chúng ta không sợ những thế lực gian tà ác hại. Vì cánh tay Mẹ Maria là thành trì bảo vệ chúng ta. Chúng ta không sợ thiếu thốn tình thương. Vì trái tim Mẹ Maria luôn ấp ủ chúng ta trong tình yêu thương vô cùng tha thiết của Mẹ. Chúng ta không sợ bất hạnh. Vì Mẹ sinh ra Chúa Giêsu là nguồn mạch mọi phúc lành của Thiên Chúa. 

Lạy Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ chúng con. Chúng con xin đặt tất cả thế giới trong Năm Mới này vào đôi tay từ mẫu của Mẹ. Qua Người Con Chí Thánh của Mẹ chắc chắn cả thế giới sẽ được hưởng muôn ơn phúc lành của Thiên Chúa. Và

ơn chúng con cầu xin đặc biệt trong ngày hôm nay. Đó là ơn Hiệp Nhất và Bình An. Xin Mẹ nhận lời chúng con.